Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Mác 12:28-34: "CÂU HỎI VỀ ĐIỀU NÀO LỚN HƠN HẾT?"



Mác 12:28-34
CÂU HỎI VỀ ĐIỀU NÀO LỚN HƠN HẾT?
Phần giới thiệu
: Khi Chúa Jêsus càng đến gần với thập tự giá, Ngài thấy mình đang bị những người Do thái tôn giáo tấn công, họ muốn nhìn thấy Ngài chết đi. Người Pharisi và đảng Hê-rốt, hai nhóm nầy là kẻ thù cay đắng của nhau, đã hiệp với nhau hỏi Chúa Jêsus một câu về quyền làm chủ. Họ thất bại không hoàn thành được mục đích của họ, song Chúa Jêsus sử dụng cơ hội để làm cho họ phải bối rối cách công khai, các câu 13-17.
Khi người Sađusê nhìn thấy những kẻ thù của họ không bẫy được Chúa Jêsus trong lời nói của Ngài, họ đã đến gặp Chúa với một câu hỏi khó về thần học. Họ tin họ có thể quấy rối Ngài bằng cách yêu cầu Ngài trả lời một câu hỏi rất khó về mặt thần học. Ngài cũng không sa vào bẫy của họ. Ngài chỉ ra sự giả hình của họ, và họ cũng phải lúng túng trước công chúng, các câu 18-27.
Trong khi Chúa Jêsus đang biện luận với người Sađusê, người kia đang lắng nghe cuộc biện luận của họ. Người nầy là một người Pharisi, và ông ta là một thầy thông giáo, Mathiơ 22:35. Thầy thông giáo nầy lấy làm kinh ngạc bởi câu trả lời mà Chúa Jêsus đưa ra với người Sađusê và ông ta có một thắc mắc trong trí nên ông ta muốn hỏi Chúa.
Động lực của người nầy dường như chẳng có gì là gian ác cả. Ông ta dường như muốn tìm kiếm thông tin. Mathiơ nói cho chúng ta biết rằng ông ta đến đặng “thử” Chúa Jêsus. Chữ nầy có thể ám chỉ đến “một người tìm cách thử người kia về một ý nghĩa rất hiểm”, hay chữ ấy có thể dùng để nói tới việc “tìm ra những gì người khác nghĩ về một vấn đề”.
Trong lần gặp gỡ nầy, Chúa Jêsus bị hỏi một câu rất quan trọng. Câu trả lời cho thắc mắc ấy đưa thẳng vào tấm lòng để cho họ được cứu và thờ phượng có nghĩa là gì!?!. Những gì Chúa Jêsus đã phán với người nầy có nhiều điều để nói với chúng ta hôm nay.
Tôi muốn lấy mấy câu nầy rồi rao giảng trong một lúc với đề tài: Câu Hỏi Về Điều Nào Lớn Hơn Hết. Những lẽ thật trong mấy câu nầy dạy cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời mong chúng ta sống đời sống của mình như thế nào, cả chiều ngang cũng như chiều dọc. Mấy câu nầy dạy chúng ta biết chúng ta phải đáp ứng thế nào với Đức Chúa Trời ở trên cao kia và với đồng loại đang ở chung quanh chúng ta.
Chúng ta hãy dành ít phút để xem xét Câu Hỏi Về Điều Nào Lớn Hơn Hết. Hãy để cho Chúa phán với tấm lòng bạn hôm nay và hãy để Ngài chỉ cho bạn thấy đôi điều về những ưu tiên một trong chính đời sống của bạn.
I. ĐƯA RA THẮC MẮC (câu 28)
+ Khi Chúa Jêsus biện luận với người Sađusê, người kia đang lắng nghe. Kinh Thánh cho chúng ta biết ông ta là một “thầy thông giáo”. Điều nầy có ý nói rằng ông ta là chuyên gia trong việc giải thích Luật pháp. Khi Kinh Thánh nói tới cụm từ “thầy thông giáo”, đây là chức nghiệp mà nó muốn nói tới.
Người nầy lắng nghe khi Chúa Jêsus trả lời thắc mắc của người Sađusê. Theo ý của người nầy, Chúa Jêsus đã “khéo đáp”. Chữ “khéo” có ý nói “hay; hoàn toàn”. Chúa Jêsus đã trả lời cho người Sađusê và làm cho họ “chẳng có chỗ để ngọ nguậy” nữa. Chúa Jêsus đánh gục họ hoàn toàn.
+ Người nầy giờ đây đưa ra thắc mắc của chính mình. Ông ta muốn biết: “Trong các điều răn, điều nào là đầu hết?” Đây là một lãnh vực phổ thông giữa những người Do thái tôn giáo.
Các thầy thông giáo và rabi Do thái đã xác định 613 điều răn trong luật pháp. 248 điều trong số nầy được xem là tích cực, trong khi 365 điều kia được xem là tiêu cực. Các điều răn nầy khi ấy được phân thành hai nhóm: nặng và nhẹ. Vấn đề là, các thầy thông giáo không đồng ý về điều răn nào là nặng, hay bắt buộc, và điều nào là nhẹ hay không bắt buộc.
Các thầy thông giáo vốn ưa thích tranh cãi về luật pháp. Họ thường xuyên ra sức hình dung điều răn nào là điều quan trọng nhất. Bên cạnh điều nầy, họ sử dụng thì giờ có thể xem xét, ra sức đạt tới một câu nào đó tóm tắt cả luật pháp.
+ Sau khi nghe Chúa Jêsus đáp khéo với người Sađusê, người nầy nghĩ rằng có lẽ Chúa Jêsus có thể định liệu cuộc tranh cãi nầy của họ. Ông ta muốn biết ý kiến của Chúa Jêsus về điều nào là lớn hơn hết trong tất cả các điều răn.
(Lưu ý: Con người vẫn tìm cách đùa giỡn với Lời của Đức Chúa Trời. Họ thích tranh luận về Kinh Thánh. Họ thích nghĩ ra những thắc mắc thật khó trả lời dựa trên Kinh Thánh. Họ tìm cách hình dung ra điều chi họ có thể và không thể xa rời theo Kinh Thánh. Con người luôn luôn tìm kiếm một kẻ hở. Trong mấy câu nầy, Chúa sẽ nói cho chúng ta biết cách thức tôn vinh cả luật pháp.
Tuy nhiên, trước khi chúng ta nói tới điều đó, tôi nghĩ chúng ta cần phải được nhắc nhớ về một lẽ thật quan trọng. Cách duy nhứt bất cứ ai muốn nhìn thấy Đức Chúa Trời là phải giữ vẹn từng điều răn, cả tích cực và tiêu cực, trong luật pháp. Một sự sơ suất, một điều răn bị phá vỡ, và chúng ta phạm tội trước mắt của Đức Chúa Trời giống như thể chúng ta đã phá vỡ từng điều luật của Đức Chúa Trời vậy, Giacơ 2:10; Galati 3:10. Chúa Jêsus phán rằng chúng ta phải sống công bình hơn hạng người tôn giáo thanh sạch nhất nếu chúng ta muốn lên thiên đàng, Mathiơ 5:20.
Sự thật là, hết thảy chúng ta đều phạm tội trong con mắt của Đức Chúa Trời, Rôma 3:10-23; 5:12. Chúng ta không tốt đủ và chúng ta không thể tạo ra điều chi tốt lành, Êsai 64:6; Rôma 3:12. Hy vọng duy nhứt của chúng ta được Đức Chúa Trời tiếp nhận là nhờ sự công bình trọn vẹn của Ngài đã được ban ra cho chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa Jêsus bởi đức tin, chúng ta đã được ban cho sự công bình của Đức Chúa Jêsus Christ, Rôma 4:24-25. Khi chúng ta tin theo Chúa Jêsus, chúng ta được Đức Chúa Trời kể là đã giữ đúng văn tự của luật pháp. Ngài kể chúng ta là công bình, Rôma 10:4, mặc dù chúng ta hãy còn là hạng tội nhân.
Làm sao điều nầy khả thi được chứ? Chúa Jêsus, sống như một con người, đã giữ vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời. Khi Ngài chịu chết, Ngài đã chết như một người vô tội vì cớ hạng tội nhân tội lỗi, II Côrinhtô 5:21. Người nào tin cậy nơi Ngài bởi đức tin đã được ban cho sự công bình của Ngài. Họ được Đức Chúa Trời đối xử y như họ là chính mình Chúa Jêsus, và y như họ đã giữ vẹn luật pháp vậy.
Chúa Jêsus là hy vọng duy nhứt mà một tội nhân có! Không có Ngài, bạn sẽ mãi còn ở trong tội lỗi và bạn sẽ phải vào trong địa ngục. Với Ngài, mọi tội lỗi của bạn sẽ được tha và bạn sẽ được cứu. Sự cứu rỗi không phải là một vấn đề về người nào có thể tuân giữ luật pháp. Sự cứu rỗi chỉ là vấn đề ai tin theo Chúa Jêsus mà thôi, Giăng 14:6; 1 Giăng 5:12.)

II. THẮC MẮC ĐƯỢC GIẢI ĐÁP (các câu 29-31)
+ Chúa Jêsus đáp lại câu hỏi của người nầy bằng cách trước hết trưng dẫn “Shema”. Shema đã được những người Do thái tôn giáo trưng ra mỗi buổi sáng và từng buổi chiều. Hiện vẫn còn y như thế! Shema đã được viết ra trên một tờ giấy nhỏ rồi đặt vào những cái hộp bằng da được gọi là “bùa”.
Những cái hộp bằng da nầy được kết vào tay áo và trên trán, Mathiơ 23:5. Đây là một nổ lực lo chu toàn mạng lịnh trong Phục truyền luật lệ ký 6:8, ở đây Đức Giêhôva phán: “Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí”. Những người Do thái chính thống trên khắp thế giới vẫn sử dụng loại bùa nầy.
Shema cũng được viết ra rồi đặt trong cái hộp nhỏ gọi là “Mezuzah” và đem đặt trên những cánh cửa của gia đình. Điều nầy góp phần nhắc cho người Do thái nhớ đến Đức Chúa Trời khi họ đi ra đi vào. Hầu hết những người Do thái chính thống vẫn còn sử dụng loại Mezuzah nầy hôm nay. Đây là một nổ lực để chu toàn mạng lịnh ở Phục truyền luật lệ ký 6:9, ở đây Đức Giêhôva phán: “cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi”.
+ Shema có thể được thấy ở Phục truyền luật lệ ký 6:4-9; 11:13-21 và Dân số ký 15:37-41. Nó luôn luôn bắt đầu với một lời khẳng định sự tồn tại của Đức Chúa Trời và là một sự nhắc nhớ rằng một mình Ngài là Đức Chúa Trời. Vì thế, Chúa Jêsus đã bắt đầu theo cách truyền thống khi nói: “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một”. Khi ấy, Chúa Jêsus đã lấy hết thảy 613 điều răn trong luật pháp rồi kết lại thành hai điều răn.
+ Chúng ta hãy xem các câu 30 và 31 và câu trả lời đầy quyền lực của chúa chúng ta từng mệnh đề một.
+ Ngươi phải kính mến – Đây là tình yêu “agape”. Từ nầy đề cập đến tình yêu “hiểu biết, có mục đích, và đầu phục”. Đây là thứ tình cảm “là một hành động của ý chí”. Tình cảm nầy còn hơn cả “phileo” đơn thuần là “cảm xúc và dịu dàng”. Tình cảm nầy sâu xa hơn “eros”, là “tình cảm xác thịt”.
“Agape” nói tới loại tình yêu mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Tình cảm nầy không có điều kiện, trọn vẹn, đời đời và không thay đổi. Tình cảm nầy hoàn toàn vô kỷ. Đây là tình yêu dám bỏ mình với sự trông mong chẳng có gì đổi lại. Đây là loại tình cảm đã khiến Chúa Jêsus bước lên thập tự giá để phó mạng sống Ngài cho chúng ta, Rôma 5:8. Nói khác đi, chúng ta cần phải kính mến Ngài giống như Ngài đã yêu chúng ta vậy! Tình cảm nầy là khả thi, nhưng chỉ vì Ngài đã yêu chúng ta trước, 1 Giăng 4:19.
+ Chúa – Đây là chữ “kurios”. Nó nói tới “người nầy làm chủ người kia; một ông chủ”. Chúng ta không thể thực sự kính mến Chúa cho tới chừng nào chúng ta xem Ngài là Chúa. Chúng ta không thực sự kính mến Ngài cho tới chừng nào chúng ta đem mọi sự phục Ngài và công nhận rằng Ngài là Chủ của chúng ta và chúng ta là tôi tớ Ngài. Đây là lời kêu gọi đến với một đời sống đầu phục tuyệt đối, Rôma 12:1; Mathiơ 16:24.
+ Đức Chúa Trời ngươi – Cụm từ nầy nói tới việc sống trong mối quan hệ cứu rỗi với Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài không phải là “Đức Chúa Trời ngươi” cho tới chừng nào bạn phục theo Ngài và tin theo đạo Tin Lành để được cứu rỗi.
Có phải Ngài là Đức Chúa Trời của bạn hôm nay không? Một khi Ngài là Đức Chúa Trời của cha hay mẹ của bạn cũng chưa phải là đủ đâu. Ngài phải là Đức Chúa Trời của bạn kìa. Bạn không thể kính mến Ngài cho tới chừng nào bạn nhìn biết Ngài theo cách riêng tư.
+ Hết lòng – Từ ngữ “lòng” đề cập tới cốt lõi của xác thể vật lý của chúng ta. Cốt lõi sự sống của bạn sẽ rộn ràng với tình cảm dành cho Chúa. Khi chúng ta hết lòng kính mến Ngài, yêu thương Ngài thì mọi lãnh vực khác trong đời sống của chúng ta sẽ không còn là vấn đề nữa, Châm ngôn 4:23.
+ Hết linh hồn – Chữ “linh hồn” đề cập tới “ngai của tình cảm và ý chí”. Tình cảm của chúng ta dành cho Ngài sẽ là thứ tình cảm đầy cảm xúc. Nghĩa là, chúng ta không bị xấu hổ khi bày tỏ tình cảm của chúng ta với những cảm xúc. Hô to, kêu la, biểu lộ, v.v… là tất cả những cách bày tỏ về cảm xúc trong tình cảm của chúng ta dành cho Chúa.
Cũng có ý chí ở trong đó nữa. Nghĩa là, kính mến Chúa là một quyết định chúng ta lập ở trong ý chí. Sau khi chúng ta đã trải nghiệm tình yêu của Ngài, đổi lại chúng ta có khả năng kính mến Ngài. Tình cảm dành cho Chúa là một quyết định mà chúng ta phải đưa ra! Chúng ta một là chọn hết linh hồn kính mến Ngài, hay chúng ta chọn giữ lại tình cảm của chúng ta đối với Ngài!
+ Hết trí khôn – Từ ngữ “trí khôn” đề cập tới “trí tuệ”. Khi chúng ta hiểu Đức Chúa Trời là ai, như Ngài được tỏ ra trong Lời của Ngài, chúng ta đáp ứng với lẽ thật đó bằng cách hướng năng lực của trí tuệ vào sự thờ phượng Ngài và kính mến Ngài.
+ Hết sức – Từ ngữ “sức” nói tới “sức mạnh, năng lực và mọi khả năng của chúng ta”. Từng khả năng, mỗi ân tứ, từng ta-lâng, từng sức lực đều được động viên để kính mến Chúa.
(Lưu ý: Ý niệm trình bày ở đây, ấy là chúng ta cần phải kính mến Đức Chúa Trời với toàn bộ sự sống của chúng ta. Chúa đã ban cho chúng ta tình cảm thật vẹn toàn. Ngài yêu thương chúng ta với mọi sự Ngài đang có. Chúng ta cần phải kính mến Ngài theo cùng một cách đó.
Khi Chúa chiếm hữu một người, Ngài cũng chiếm hữu mọi sự người ấy có. Chúng ta cần phải sử dụng từng phân tử và từng nguyên tử trong sự sống của chúng ta cho sự vinh hiển của Ngài. Đây là điều mà sự kính mến Ngài muốn nói tới! Hình ảnh được dựng nên rất rõ ràng ở Thi thiên 42:1-2.
Người Do thái đã trưng dẫn Shema hai lần một ngày. Họ nghĩ họ đang tỏ ra lòng kính mến của họ dành cho Chúa. Đối với phần lớn trong số họ, đây chỉ là một nghi thức trống rỗng. Hội Thánh giống như thế đối với phần nhiều người.
Người nào thực sự kính mến Chúa là người tin cậy Đức Chúa Trời thật trọn vẹn và vâng theo Chúa trong từng lãnh vực của sự sống mình (nam hay nữ). Đây là quan niệm nói tới sự đầu phục hoàn toàn. Đây là tình cảm chân chính dành cho Chúa. Bạn có tình cảm ấy chưa?)

+ Đây là điều răn đầu nhất – Kính mến Chúa giống như chúng ta có là giới răn chính của luật pháp. Nếu chúng ta có thể tuân giữ điều răn nầy, chúng ta sẽ chẳng có vấn đề gì với phần còn lại!
+ Nầy là điều thứ hai – Điều răn thứ hai xây dựng trên điều răn thứ nhất. Thầy thông giáo không hỏi bất cứ điều chi ở bên kia điều răn thứ nhứt. Chúa Jêsus đi một bước xa hơn để dạy cho chúng ta biết lẽ thật, ấy là tình cảm chân chính dành cho Đức Chúa Trời cũng tự nó tỏ ra trong tình cảm trọn vẹn dành cho kẻ đồng loại mình.
+ Ngươi phải yêu – Đây là chữ “agape” một lần nữa. Tôi cần phải yêu thương tha nhân với cùng một loại tình cảm mà với đó Đức Chúa Trời đã yêu thương tôi. Tôi cần phải yêu thương họ một cách vô điều kiện, trọn vẹn, đời đời và với sự thanh sạch.
+ Kẻ lân cận ngươi – Ai là “kẻ lân cận” tôi? Chúa Jêsus đã trả lời cho câu hỏi nầy trong Thí dụ nói tới người Samari Nhơn Lành, Luca 10:30-37. Kẻ lân cận tôi không những người ấy là bạn hữu tôi. Không những người ấy trông giống tôi hay người ấy cùng nghề nghiệp với tôi. Theo Chúa Jêsus, kẻ lân cận tôi là bất cứ ai đang mặc chiếc áo bằng da.
+ Như mình – Mọi người trong phòng nhóm nầy đều yêu mến bản thân họ! Khi bụng đói chúng ta tìm cái gì đó để ăn. Khi khát nước, chúng ta tìm cái gì đó để uống. Khi đau ốm, chúng ta tìm cách điều trị bằng thuốc men. Nói khác đi, chúng ta luôn luôn tìm cách làm thỏa mãn mọi nhu cần có liên quan đến bản ngã.
Chúng ta cần phải yêu mến những người ở xung quanh chúng ta với cùng loại tình cảm đó. Điều nầy không có ý nói rằng chúng ta yêu mến họ với thứ tình cảm ủy mị và đầy cảm xúc đâu. Không, chúng ta cần phải yêu mến họ với thứ tình cảm chủ động tìm kiếm điều ích cho họ. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn là nói về tình yêu, chúng ta cần phải chứng tỏ tình cảm chân chính với những người đang sống chúng quanh chúng ta, Giacơ 2:16; 1 Giăng 3:17-18.
Loại tình cảm nầy được thấy có nơi Chúa Jêsus, Ngài bằng lòng phó chính mình Ngài vì chúng ta, Rôma 5:8; II Côrinhtô 8:9. Tình yêu nầy được lý giải cho chúng ta ở I Côrinhtô 13:1-8a.
Nếu chúng ta yêu giống như vầy, sẽ chẳng có một nan đề nào trong Hội Thánh, gia đình hay xã hội! Tình yêu thương sẽ giải quyết mọi vấn đề và làm thỏa mãn mọi nhu cần đang tồn tại ở xung quanh chúng ta.
+ Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó – Chúa Jêsus là người đầu tiên ghép hai điều răn nầy lại với nhau hầu cung ứng một bảng luật pháp tóm tắt. Nếu chúng ta kính mến Đức Chúa Trời y như Ngài đã truyền cho chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ phá vỡ bốn điều răn đầu tiên. Nếu chúng ta yêu mến kẻ lân cận như đáng phải có, chúng ta sẽ không bao giờ phá vỡ sáu điều răn kia.
Trong Mathiơ 22:40, Chúa Jêsus phán rằng toàn bộ Cựu Ước có thể được tóm lại trong hai điều răn nầy. Chúng ta cần phải thôi không ráng sức làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng các việc làm tự xưng công bình và bởi những việc làm tôn giáo của chúng ta. Chúng ta cần phải học biết hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức kính mến Ngài và yêu kẻ lân cận như mình. Thực thi đúng đắn hai điều đó sẽ làm thay đổi Hội Thánh, gia đình, các cộng đồng và thế giới của chúng ta.
Khi mọi sự bề ngoài bị phơi ra, mọi nan đề và tội lỗi của chúng ta sẽ lần theo chỗ thiếu tình cảm chân thành dành cho Đức Chúa Trời và cho đồng loại của chúng ta. Thắc mắc chúng ta gặp phải là: chúng ta sẽ làm gì về điều đó? Có phải chúng ta sẽ tiếp tục sống như thế, hay có phải chúng ta sẽ đến trước mặt Chúa và tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài để yêu thương giống như chúng ta được truyền cho phải yêu thương?
III. CÂU HỎI ĐƯỢC ỨNG DỤNG (các câu 32-34)
+ Khi thầy thông giáo nầy nghe câu trả lời của Chúa, phản ứng của ông ta là nói: “Phải!” Chữ nầy có ý nói “đúng quá”. Ông ta đang nói: “Phải! Đấy là câu trả lời thật tuyệt vời! Có một Đức Chúa Trời và phải kính mến Ngài trọn vẹn, phải yêu tha nhân thật trọn vẹn còn quan trọng hơn tất cả những nghi thức tôn giáo trên thế gian”.
+ Thầy thông giáo nầy đã đạt tới chỗ hiểu rõ luật pháp của Đức Chúa Trời còn hơn là một hệ thống tôn giáo phải noi theo. Ông ta đã đạt tới chỗ hiểu rõ rằng đây đúng là việc thuộc linh. Ông ta hiểu rõ rằng luật pháp tồn tại để kéo con người đến với mối quan hệ đức tin với Đức Chúa Trời, Galati 3:24.
+ Người nầy đã đạt tới chỗ hiểu rõ một lẽ thật khá cao đối với nhiều người. Ông ta đã nắm bắt được sự thực rằng Đức Chúa Trời không nhắm vào sự thờ phượng trống rỗng và các nghi thức bề ngoài. Đức Chúa Trời là Thần và Ngài chỉ tiếp cận được bởi một tấm lòng đầy dẫy với tình cảm dành cho Ngài.
Loại tình cảm dành cho Đức Chúa Trời chỉ khả thi vì Đức Chúa Trời chìa tay ra cho chúng ta, 1 Giăng 4:19. Khi tình yêu của Ngài chạm đến chúng ta và kéo chúng ta đến với Ngài, chúng ta có khả năng trả lại tình yêu ấy và chúng ta có khả năng sống theo tình yêu ấy trong sự vâng phục đối với Đức Chúa Trời và trong sự phục vụ tha nhân.
+ Đây là những gì chúng ta cần phải thấu hiểu. Thầy thông giáo nầy đã nắm bắt được lẽ thật, ấy là tôn giáo bề ngoài và các nghi thức của nó sẽ không bao giờ là đủ để giải cứu linh hồn. Ông ta đã hiểu rõ rằng mối quan hệ còn quan trọng sâu xa hơn tôn giáo. Ông vốn nhìn biết ông có thể tuân giữ tất cả luật pháp, dâng mọi của lễ mà vẫn chưa làm hòa lại với Đức Chúa Trời.
Phần lớn người ta không hề hiểu được sự thực ấy. Trên khắp thế gian, người ta đi nhà thờ và trải qua nhiều nghi thức và họ nghĩ mình đang ở mối quan hệ cứu rỗi với Đức Chúa Trời. Thực ra, họ đã bị hư mất và đang trên đường đến với Địa Ngục!
Những công việc tôn giáo sẽ chẳng cứu được linh hồn, Êphêsô 2:8-9; Tít 3:5. Chính ân điển mới giải cứu linh hồn! Một người có thể nếm trải qua tất cả những sự việc mà chúng ta đặt nhiều chú trọng vào giống như phép báptêm, địa vị thuộc viên trong Hội Thánh, mối thông công, mà vẫn chết trong sự hư mất. Sống tôn giáo hoặc làm những công việc tôn giáo là chưa đủ đâu. Đối với một tội nhân muốn được cứu, tội nhân ấy phải có mối quan hệ đức tin với Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Làm sao điều nầy khả thi được chứ? Nó chỉ có thể xảy ra vì Đức Chúa Trời vào cuộc trước tiên. Tội nhân đã “chết trong tội lỗi và trong sự quá phạm của mình”, Êphêsô 2:1. Người ấy không thể cảm Đức Chúa Trời, ao ước Đức Chúa Trời, nhìn biết Đức Chúa Trời hay đến gần Đức Chúa Trời được.
Ở đâu đó, cách nào đó, tội nhân ấy đến nghe rao giảng Tin Lành, I Côrinhtô 1:21; Rôma 10:13-17. Đức Chúa Trời đến với tội nhân đó, thuyết phục người về tội lỗi của mình, Giăng 16:7-11. Khi Đức Chúa Trời chỉ cho tội nhân thấy mình hay chết và tình trạng của mình rồi, Đức Chúa Trời kéo tội nhân ấy đến với chính mình Ngài, Giăng 6:44; 65. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi, tội nhân được ban cho đức tin để tin theo đạo Tin Lành, Êphêsô 2:8. Đức tin ấy phản ứng trong lòng của của tội nhân mới tỉnh thức và người đến với Chúa Jêsus để được cứu, Giăng 6:37.
Sự cứu rỗi chân chính theo Kinh Thánh là công việc của Đức Chúa Trời từ đầu cho đến cuối. Đây là một công tác thuộc linh từ lúc khởi sự cho đến lúc hoàn thành. Đây chẳng phải là nghi thức hay tôn giáo đâu. Đây là đức tin đơn sơ nơi Tin Lành ân điển. Bạn đã tin theo đạo Tin Lành chưa? Bạn đã được cứu chưa?
+ Chúa Jêsus nghe thấy phần đáp ứng từ thầy thông giáo nầy và Ngài nhìn thấy người nầy là một người từ chối không nói theo đa số. Đây là một người có thể suy nghĩ cho chính bản thân mình. Đây là một người đã bắt đầu hiểu rõ rằng nhìn biết Đức Chúa Trời không phải là nghi thức, mà là mối quan hệ.
+ Khi ấy, Chúa Jêsus nhìn vào ông ta rồi nói: “Ngươi chẳng cách xa nước Đức Chúa Trời đâu”. Chúa Jêsus đang nói: “Ngươi đang ở gần, nhưng ngươi chưa hoàn toàn ở đó!” Chúa Jêsus có ý nói gì vậy?
+ Cái điều Ngài muốn nói, ấy là người nầy đã ở gần đấy, song người vẫn có nhiều đường để đi. Ông ta đã đứng tại cánh cửa cứu rỗi và đang nhìn xem mọi vụ việc của Đức Chúa Trời, nhưng ông ta chưa thực hiện bước đức tin sẽ bảo đảm cho ơn cứu rỗi của ông ta.
+ Chúng ta cần phải hiểu rõ những hàm ý của câu nói nầy. Chúa Jêsus đang nói với một người đứng đắn. Chúa Jêsus đang nói với một người tôn giáo. Ngài đang nói với một người biết tuân giữ luật pháp với khả năng tốt nhứt của mình. Chúa Jêsus đang nói với một người có lẽ đã sống một đời sống thanh sạch hơn bất kỳ người nào trong phòng nhóm nầy hôm nay. Đây là những điều chúng ta cần phải biết rõ:
+ Có khả năng một người có giáo huấn về tôn giáo mà vẫn bị hư mất.
+ Có khả năng nhìn biết lẽ thật mà vẫn bị hư mất.
+ Có khả năng đã nghe giảng Tin Lành suốt cuộc đời mà vẫn còn yên nghỉ trên sự nhơn đức riêng và trên các việc lành của mình.
+ Có khả năng chai lì với Tin Lành và cứ chê bai trong khi ngồi ì trên hàng ghế của nhà thờ.
+ Có khả năng chỉ cách Thiên đàng có một cm thôi, rồi vẫn chết mà đi Địa Ngục.
+ Có phải sứ điệp nầy tìm gặp bất kỳ ai trong các bạm về tình trạng đó không? Bạn đang ở quanh những vụ việc của Đức Chúa Trời, song bạn chưa hề được cứu. Bạn đã làm mọi sự mà người ta bảo bạn phải làm, nhưng bạn chưa hề tin cậy Chúa Jêsus để được cứu. Bạn cần phải xử lý việc ấy ngay hôm nay. Thật là nguy hiểm khi trù trừ thêm một phút đấy!
Nếu bạn biết mình chưa hề tin cậy Chúa Jêsus để cứu rỗi linh hồn bạn, bạn cần phải đến với Ngài bởi đức tin ngay hôm nay. Bạn cần phải ăn năn tội lỗi của mình, tin đạo Tin Lành và được sanh lại. Thật là xấu hổ khi ngồi ở hàng ghế nhà thờ mà chết đi rồi vào Địa Ngục.
Đấy chính xác là những gì sẽ xảy ra cho ai đó với dáng dấp thật lịch sự! Họ ở rất gần, nhưng họ bị hư mất. Họ đã nhìn vào bên trong cánh cửa cứu rỗi trong nhiều năm trời, nhưng họ chưa hề bước vào trong. Họ chỉ cách Thiên đàng có mấy cm thôi, nhưng họ vẫn hướng tới Địa Ngục. Đừng để điều đó xảy ra với bạn!
Phần kết luận: Mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời ra sao rồi? Nếu nó là mọi sự như đáng phải có, bạn hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức kính mến Ngài và bạn yêu tha nhân y như bạn yêu bản thân mình. Điều đó có là sự thật về bạn không? Hay có phải bạn cần thực hiện một số cải thiện trong lãnh vực đó trong cuộc sống của bạn?
Có phải bạn đã được cứu hôm nay không? Hay, có phải bạn sống rất tôn giáo rồi bị hư mất? Nếu bạn chưa thực sự tin cậy Chúa Jêsus để được cứu, tôi mời bạn hãy đến với Ngài và tiếp nhận Ngài bởi đức tin. Nếu bạn chịu đến với sự kêu gọi của Ngài, Ngài sẽ không xua bạn đi đâu. Bất chấp tuổi tác, tội lỗi, hay quá khứ của bạn, Ngài sẽ tiếp nhận bạn, tha thứ cho bạn và giải cứu bạn nếu bạn chịu đến với Ngài.
Tôi không biết tấm lòng của bạn, nhưng tôi biết bạn cần đến Chúa Jêsus. Nếu Ngài đã phán với bạn ở bất cứ cấp độ nào hôm nay, làm ơn làm việc với Ngài ngay hôm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét